Thế mắc kẹt của giới đầu tư tiền mã hóa tại Việt Nam

Cú rớt giá phi mã của Bitcoin vào sáng 10/5 đã khiến nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam lỗ nặng, không dám cắt lỗ. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận đông đảo vung tiền bắt đáy.

Như một thói quen, mỗi sáng thức dậy, điều đầu tiên Trung Hiếu (25 tuổi, nhà đầu tư tại Hà Nội) nghĩ đến là cầm chiếc điện thoại để cập nhật tình hình thị trường sau một đêm. Song, khi nhìn thấy thông báo giá Bitcoin đã giảm xuống dưới 31.000 USD/đồng, nhà đầu tư này không hề tỏ ra bất ngờ.

Kể từ tháng 4, thị trường tiền mã hóa luôn chìm trong sắc đỏ. Rạng sáng ngày 10/5, Bitcoin ghi nhận cú giảm sâu và xuyên thủng mốc 30.000 USD. Đây cũng là giá trị thấp nhất của đồng tiền số tính trong gần một năm qua. Ngoài Bitcoin, nhiều đồng coin/token khác cũng bị kéo vào tình trạng tương tự.

“Thông tin này đã được cộng đồng người chơi cảnh báo từ lâu. Biết trước là sẽ giảm đấy nhưng tôi cũng chẳng làm được gì. Rút tiền ra cũng không được, cắt lỗ cũng không xong, giờ chỉ biết ngồi chờ đợi mà thôi”, Trung Hiếu nói.

Tiến thoái lưỡng nan

Hiếu là một trong số những nhà đầu tư F0 điển hình tham gia thị trường vào thời điểm sôi động nhất để rồi đến nay loay hoay không biết làm cách nào thoát ra. Anh ước tính đã bỏ ra tổng cộng 4.700 USD vào tiền mã hóa và chưa hề rút ra một lần nào.

“Tôi càng chơi càng ham, cứ có tiền lại ném vào tài khoản. Trước đây tôi trade (giao dịch ngắn hạn) và ăn non là chủ yếu. Tích được bao nhiêu lãi lời lại xoay vòng mua thêm và mở rộng danh mục. Cuối năm ngoái thu về đâu đó gần 3.000 USD”, anh cho biết.

Tuy nhiên, cú sập giá của Bitcoin vào đầu tháng 1 đã xóa sổ toàn bộ lợi nhuận của nhà đầu tư này và khiến anh lỗ nhẹ. Với mong muốn gỡ gạc và niềm tin vào sự hồi phục của thị trường, Hiếu tiếp tục rót thêm vốn nhằm DCA (trung bình giá) danh mục.

Hiện, Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH), Binance coin (BNB) là những mã chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của Hiếu. Bên cạnh đó, anh còn ôm thêm một số đồng tiền số khác như Harmony (ONE), Avalanche (AVAX), NEAR…

Bất chấp việc đa dạng danh mục đầu tư theo lời khuyên của những người có kinh nghiệm, không một mã nào trong danh mục này có lãi. Đa phần chúng đều thiệt hại từ 10-40%, thậm chí có mã lỗ tới 70%.

Sau gần một năm đặt chân vào thị trường, khoản đầu tư của Hiếu thu hẹp còn hơn 2.000 USD và có thể tiếp tục xuống thấp nếu Bitcoin không đảo chiều.

Không dám cắt lỗ

“Nếu cắt lỗ thì đáng lẽ tôi phải làm từ cuối năm ngoái khi thị trường bắt đầu có tín hiệu điều chỉnh, giờ thì đã quá muộn. Tiền mã hóa không bị giới hạn biên độ giao dịch chứng khoán, chúng có thể giảm bao nhiêu tùy thích hay đơn giản là trở thành vô giá trị trong thời gian ngắn, nhà đầu tư khó mà trở tay kịp”, anh chia sẻ.

Mắc kẹt cũng chính là tình cảnh chung của nhiều nhà đầu tư tiền mã hóa tại Việt Nam hiện nay. Khi đồng coin/token nắm giữ suy yếu, nhà đầu tư thường rơi vào trạng thái “bỏ thì thương mà vương thì tội”.

“Cắt lỗ nhiều lúc cũng là nghệ thuật. Không phải người chơi nào cũng biết đâu là điểm dừng, đâu là điểm bắt đầu. Bất cứ một nhịp điều chỉnh nào của thị trường cũng có thể khiến nhà đầu tư bị om vốn hàng tháng trời. Bạn có thể tặc lưỡi chấp nhận rủi ro mất 100-200 USD, nhưng liệu bạn có dám cắt lỗ nếu đang mất 1.000 USD”, Hoàng Long, 28 tuổi, một nhà đầu tư khác tại Hà Nội, cho biết.

Anh cho biết giới đầu tư lâu dài (holder) không có xu hướng cắt lỗ. Thay vào đó, holder thường chọn giải pháp DCA để giảm bớt các khoản lỗ, đồng thời gia tăng lợi nhuận nếu thị trường đảo chiều.

Song, về mặt tiêu cực, việc DCA quá thường xuyên và không bắt đúng mạch của thị trường có thể khiến nhà đầu tư nhân 2 lần khoản lỗ. Bên cạnh đó, việc phân bổ không đúng nguồn vốn khi DCA còn tiềm ẩn rủi ro phá hỏng dòng tiền của nhà đầu tư, gây ra tình trạng om, cạn vốn.

Do nhận thấy xu hướng bất ổn, từ giữa tháng 4, Long đã bán bớt một số danh mục, chấp nhận mức thiệt hại dưới 10% và cầm sẵn USDT.

Dòng tiền ồ ạt bắt đáy

Sau khi thủng mốc 30.000 USD vào sáng 10/5, thị trường bắt đầu nhen nhóm sự trỗi dậy của phe mua và xuất hiện dòng tiền bắt đáy. Dù vẫn đang được giao dịch ở ngưỡng thấp, dữ liệu kỹ thuật của Trading View ghi nhận lực cầu lớn và chỉ xuất hiện một vài giằng co nhẹ đối với Bitcoin.

Trên các hội nhóm trao đổi kiến thức về tiền mã hóa, nhiều người dùng tuyên bố đã bắt đáy thành công. Tuy nhiên, một số cá nhân vẫn chờ đợi diễn biến tiếp theo vì cho rằng giá Bitcoin có thể tiếp tục xuống thấp.

Do hạn chế ngân sách và nhận thấy một số tín hiệu tiêu cực của thị trường, anh Long chỉ chi thêm 500 USD để mua thêm Bitcoin.

Riêng với Trung Hiếu, nhà đầu tư này quyết định “nằm im chờ thời”, hy vọng thị trường sẽ chuyển biến tích cực vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau để thoát hàng.

Dẫu vậy, thị trường mua bán stablecoin USDT vẫn diễn ra tương đối nhộn nhịp. Hiện nay, người dùng có thể giao dịch mua bán USDT qua hình thức P2P trên sàn hoặc với những cá nhân bên ngoài.

Các đại lý sẽ thu lời từ sự chênh lệch tỷ giá giữa VND (HM:VND) và USDT. Ví dụ, tỷ giá thông thường trên thị trường giao ngay là 23.000 VND đổi 1 USD, nhưng nếu muốn mua 1 USDT (có tỷ lệ 1:1 với USD), người mua phải trả khoảng 24.000 VND.

Chia sẻ với Zing, Sơn Phạm - một đại lý giao dịch stablecoin - cho biết số lượng khách hàng tìm đến vài ngày trở lại đây tăng khoảng 30% so với bình thường.

“Bao giờ cũng thế, cứ thị trường giảm là nhiều khách hàng tìm đến hơn còn đi ngang thì việc buôn bán sẽ chậm lại. Tỷ giá cũng vậy, giá hiện tại đang là 24.272 VND đổi 1 USDT, sáng nay Bitcoin thủng hỗ trợ giá tăng tối thiểu từ 24.700 VND trở lại”, anh nói.

Đáng chú ý, trên một số sàn giao dịch lớn như Binance, nhiều đại lý sẵn sàng phá tỷ giá mua USDT lên 25.000-26.000 VND/USDT nhằm kiếm lời.

Bên cạnh đầu tư tiền mã hóa, việc mở dịch vụ mua bán USDT cũng là một nguồn lợi nhuận khác của Sơn Phạm. Anh cho biết đối tượng khách hàng và số lượng mua bán rất đa dạng, phổ biến nhất là từ 1.000-15.000 USDT. Thậm chí, có khách tìm đến đại lý này để mua 100.000 USDT.

Nguồn: https://vn.investing.com/news/world-news/the-ma-c-ket-cua-gioi-dau-tu-tien-ma-hoa-tai-viet-nam-1978707

0/Post a Comment/Comments